Để giúp bạn nắm rõ hơn lịch sử phát triển của dòng vi xử lý Core i nổi danh, hãy cùng nhìn lại quá trình phát triển của các thế hệ chip Intel từ trước tới nay.
Nhắc tới Intel, chúng ta liên tưởng ngay tới một thương hiệu chip nổi danh với tên tuổi gắn liền cùng các thế hệ chip Core I dành cho cả laptop và PC. Để tạo dựng được danh tiếng như ngày nay, nhà sản xuất đến từ Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều tâm huyết suốt một chặng đường dài. Dòng chip mới nhất của hãng – Intel Tiger Lake ra mắt vào tháng 9 vừa qua là kết tinh công nghệ của nhiều thế hệ chip trước đó.
Intel Nehalem
Nhằm tạo ra một kiến trúc chip mới thay thế cho Core 2, các kỹ sư của Intel đã bắt tay vào nghiên cứu và thành quả là sự ra đời của kiến trúc Nehalem với tiến trình sản xuất 45m. Những con chip Core i Nehalem đánh dấu việc Intel đưa cả hai công nghệ nổi bật của họ khi đó là Hyper Threading và Turbo Boost vào cùng một bộ vi xử lý để đẩy mạnh hiệu năng.
Intel Sandy Bridge
Tiếp nối Nehalem là kiến trúc Sandy Bridge. Điểm cải tiến của Sandy Bridge so với người tiền nhiệm là việc áp dụng tiến trình sản xuất 32nm để cùng sản xuất CPU và GPU, đồng thời thiết kế để tích hợp cả hai thành phần này trên một đế nhằm tận dụng chung bộ nhớ đệm. Nhờ đó, chip Sandy Bridge có thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Intel Ivy Bridge
Không chỉ cho thấy sự cải tiến về quy trình sản xuất khi ứng dụng tiến trình 22nm tối tân khi ấy, thế hệ chip Intel Ivy Bridge còn rất được lòng giới chuyên môn khi trình làng nhờ sử dụng công nghệ bóng bán dẫn 3D Tri-Gate. Những công nghệ mới này giúp hãng tối ưu hóa số lượng bóng bán dẫn trên chip – một yếu tố then chốt quyết định hiệu năng xử lý của CPU. Điểm cộng của Ivy Bridge nằm ở việc sở hữu chip đồ họa tích hợp cho phép phát video độ phân giải cao hoặc các tác vụ 3D.
Intel Haswell
Tới thế hệ chip Haswell, Intel bắt đầu nhận ra tiềm năng của các mẫu laptop Ultrabook siêu mỏng và những dòng thiết bị được thiết kế theo dạng 2 in 1 (vừa là laptop, vừa là máy tính bảng). Do đó, hãng tối ưu chip Haswell theo hướng quản lý nhiệt độ thân máy thật hiệu quả. Điều thú vị là với Haswell, nhà sản xuất chip nổi danh cho biết dòng chip này tiết kiệm năng lượng hơn 20 lần khi đặt cạnh người tiền nhiệm Sandy Bridge. Ngoài ra, trải nghiệm đồ họa của các mẫu laptop chạy chip Intel Haswell cao cấp cũng tốt hơn nhờ card đồ họa tích hợp Iris và Iris Pro.
Intel Broadwell
Trên Intel Broadwell, Intel đã ứng dụng tiến trình sản xuất 14nm đột phá để tạo ra hệ thống bóng bán dẫn nhỏ hơn đảm bảo sức mạnh hiệu năng cho CPU mà không cần nới rộng diện tích chip. Với khả năng vận hành hiệu quả hơn 30% so với chip Intel Haswell trước đó, những con chip Broadwell đã làm nên một cuộc cách mạng về hiệu suất và khả năng tiết kiệm pin.
Intel Skylake
Trình làng lần đầu vào năm 2015 và vẫn tiếp tục ứng dụng tiến trình 14nm đem đến thành công cho Broadwell, thế hệ chip Intel Skylake ghi nhận những điểm đột phá như hỗ trợ RAM DDR4. Về mặt hiệu năng, chip Skylake mạnh hơn chip Core i7-4790K khoảng 10%, vượt trội 20% khi đặt cạnh chip Core i7-4770K và lên tới 30% nếu so sánh với chip Core i7-3770K.
Intel Kaby Lake
Kaby Lake là phiên bản kế nhiệm của Skylake và là thế hệ CPU thứ 7 mà Intel tung ra thị trường. Những bộ vi xử lý Kaby Lake đều được sản xuất trên tiến trình 14nm từ Intel. Với thế hệ chip này, Intel đã tiến thêm một bước trong việc nâng cấp hiệu năng đồ họa và hiệu quả tiết kiệm điện năng. Những chiếc laptop sử dụng chip Intel thế hệ thứ 7 có khả năng phát video 4K hoặc các video toàn cảnh 360 độ, đồng thời tương thích rất tốt với các nội dung VR. So với Skylake, chip Kaby Lake duyệt web hiệu quả hơn 19% và nâng cao hiệu suất 12%.
Intel Coffee Lake
Thế hệ chip Core i thứ 9 được Intel đặt tên là Coffee Lake, được thiết kế hướng tới các dòng laptop gaming yêu cầu hiệu năng mạnh mẽ. So với chip Core I thế hệ 7 và 8, chip Intel Coffee Lake được nâng cấp để có hiệu năng cao hơn khoảng 10% tới 35% và tối ưu rất tốt cho các tác vụ gaming, trở thành sự lựa chọn hàng đầu thời điểm đó với những ai làm công việc liên quan đến thiết kế đồ họa hoặc dựng hình 3D. Các công nghệ đi kèm nổi bật của chip Core i thế hệ thứ 9 là Intel Optane Memory, Intel Optane SSD, Thunderbolt 3.0.
Intel Ice Lake
Chip Intel thế hệ thứ 10 – Ice Lake tập trung cải tiến nhiều về mặt công nghệ và cũng là dòng chip đầu tiên của Intel được sản xuất với tiến trình 10nm – giúp bộ vi xử lý mạnh hơn 18% so với tiến trình 14nm trước đây. Intel tích hợp vào chip Ice Lake tính năng Deep Learning Boost nhằm học hành vi và hỗ trợ tốt hơn cho các tác vụ AI, đồng thời đem đến card đồ họa Iris Plus để giúp người dùng laptop mỏng nhẹ vẫn có thể chơi tốt các tựa game hot như CS:GO hoặc PUBG ở mức thiết lập trung bình.
Intel Tiger Lake
Thế hệ chip mới nhất của Intel là Intel Gen 11th – Tiger Lake mới ra mắt vào tháng 9 vừa qua. Đây là dòng chip xử lý sản xuất trên tiến trình 10nm SuperFin với mục đích tối ưu hiệu năng đồ họa cùng khả năng xử lý dữ liệu cho các mẫu laptop thiết kế siêu mỏng. Dấu ấn không thể bỏ qua của Intel Tiger Lake là việc sở hữu card đồ họa tích hợp Iris Xe có thể tối ưu hiệu quả chơi game hơn gấp hai lần và ghi nhận hiệu quả xử lý hình ảnh gấp 2.7 lần.
Những thử nghiệm thực tế cho thấy GPU Iris Xe có thể sánh ngang với một số card đồ họa rời như Nvidia MX350. Với xung nhịp tối đa là 4.8GHz, CPU Tiger lake hoạt động hiệu quả hơn hẳn Ice Lake nhưng lại tiết kiệm năng lượng hơn. Các sản phẩm chạy chip Intel thế hệ 11 trên thị trường hứa hẹn là sự lựa chọn vô cùng hấp dẫn trong thời gian tới.